Bối cảnh Chiến_dịch_Kavkaz

Ảnh chụp địa hình khu vực Kavkaz từ vệ tinh

Khu vực tác chiến của hai bên là vùng Bắc Kavkaz với hai mảng địa hình rõ rệt. Ở phía Tây Nam và phía Nam là dãy núi Kavkaz không cao lắm nhưng hiểm trở, có đỉnh Elbrush cao 5.642 m. Phía Tây Bắc là bán đảo Taman, một vùng ven biển thấp và lầy lội quanh năm, trải dài từ biển Caspi ở phía Đông đến giữa mặt trận là thảo nguyên Kuban rộng lớn giáp với đồng bằng hạ lưu sông Volga-Đông qua sông San, một trong các vựa lúa mỳ quan trọng của Liên Xô. Đây là vùng có địa hình lý tưởng cho các hoạt động tác chiến binh chủng hợp thành. Trên đồng bằng Kuban phẳng lý như mặt bàn, các vũ khí hạng nặng như xe tăng, xe cơ giới, pháo tự hành rất dễ cơ động trong tấn công và rút lui, pháo binh và không quân cũng có điều kiện phát huy hỏa lực vì không có nhiều vật cản. Các con sông trong vùng đều là sông nhỏ, không sâu và không đóng băng về mùa đông. Ngược lại, ở phía Tây Nam và phía Nam thảo nguyên Kuban lại là những dãy núi khá hiểm trở, rất khó cơ động tấn công và dễ bố trí các trận địa phòng thủ. Trong lịch sử, đây là nơi thường xảy ra tranh chấp giữa các đế quốc NgaOttoman cũng như tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn sắc tộc do nằm ở vùng giao thoa giữa các nền văn minh lớn.[11]

Khu vực Kavkaz là nơi có nguồn cung cấp dầu mỏ lớn của Liên Xô trước và trong chiến tranh thế giới thứ hai. Nguồn dầu mỏ ở vùng Siberia và Arkhangelsk vẫn đang còn trong giai đoạn thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác thử nghiệm. Tại vùng Kavkaz, khu khai thác Baku cung cấp 71% sản lượng, khu Maikop cung cấp 24%, 5% sản lượng còn lại từ Trung Á (chủ yếu là Turkmenistan). Kết quả cuộc chiến tranh xâm lược nước Nga của Napoléon Bonaparte năm 1812 cũng như cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất cho thấy chỉ có thể đánh sập nước Nga khi đánh tan quân đội của họ chứ không thể bằng việc đánh chiếm các mục tiêu có tính chất chính trị, kể cả thủ đô Moskva. Chiếm đoạt nguồn dầu mỏ tại Kavkaz, quân đội Đức Quốc xã không những có thể gây ngưng trệ hầu hết bộ máy chiến tranh của Liên Xô mà còn có thêm nguồn dầu mỏ để tiếp tục chiến tranh trong khi hai khu vực khai thác dầu chính ở trung lưu sông Danube (Áo-Hung) và Ploesti (Romania) không đủ cung cấp cho bộ máy chiến tranh khổng lồ ấy. Đối với chính quyền Đức Quốc xã, mục tiêu này tỏ ra thực tế hơn nhiều so với các mục tiêu của Kế hoạch Barbarossa.[12]

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Ivan Vladimirovich Tyulenev, Tư lệnh Phương diện quân Ngoại Kavkaz đã miêu tả việc hàng nghìn dân thường đã tìm cách chạy thoát khỏi Ukraina để đến trú ẩn tại các thành phố cảng ven biển Caspi an toàn hơn (ví dụ như MakhachkalaBaku). Khu vực Ngoại Kavkaz trở thành khu công nghiệp mới của Liên Xô sau khi 226 nhà máy, xí nghiệp đã được di dời trong Cuộc di tản công nghiệp năm 1941 tại Liên Xô. Sau khi tuyến đường Grozny - Ngoại Kavkaz bị quân Đức đánh chiếm, một tuyến giao thông mới từ thủ đô Moskva dẫn đến Ngoại Kavkaz được thiết lập với việc xây dựng hệ thống đường sắt từ Baku tới Orsk, băng ngang qua Astrakhan và khu vực tiền tuyến tại Makhachkala. Trong khi đó một tuyến tiếp vận đường biển khác bắt đầu từ thành phố KrasnovodskTurkmenistan đến cảng Astrakhan cũng được đưa vào khai thác.[13] Vì vậy, ngoài các mỏ dầu, đây còn là vùng công nghiệp quan trọng thứ hai của Liên Xô từ Donbass rút về (vùng còn lại là Tây Sibir).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Kavkaz http://www.rg-rb.de/2005/29/sek.shtml http://militera.lib.ru/db/halder/1942_07.html http://militera.lib.ru/db/halder/1942_08.html http://militera.lib.ru/docs/ww2/chrono/1942/1942-0... http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/05.html http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/10.html http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/11.html http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/12.html http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/index.html http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/pre.html